Quan hệ giữa Việt Nam - Pakistan:
Quan hệ Chính trị
Trước những năm 60, Việt Nam và Pakistan hầu như không có quan hệ gì ngoài một vài cuộc tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế. Giai đoạn 1960-1970, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pakistan đã có mối quan hệ thông qua đại diện tại Bắc Kinh, Trung Quốc và đã có những cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên.
Ngày 8/11/1972, Việt Nam và Pakistan lập quan hệ ngoại giao. Năm 1973, Pakistan lập Đại sứ quán thường trú tại Hà Nội, sau đó phải rút năm 1980 do khó khăn kinh tế. Ta lập sứ quán ở Pakistan năm 1978 và rút năm 1984 cũng do khó khăn tài chính. Tháng 10/2000, Pakistan đã mở lại Đại sứ quán và cử Đại sứ thường trú tại Hà Nội. Ta đã mở lại Đại sứ quán tại Islamabad tháng 12/2005 và Văn phòng thương mại tại Karachi tháng 11/2005.
Quan hệ Việt Nam-Pakistan trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Hai bên đã đẩy mạnh hợp tác và trao đổi đoàn. Việt Nam đã cử nhiều đoàn thăm Pakistan: Chủ tịch nước Trần Đức Lương (3/2004); Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng (4/2002)… Phía Pakistan thăm Việt Nam có các đoàn: Tổng thống Pervez Musharraf (5/2001), Bộ trưởng Ngoại giao Makhdoom Shah Mahmood Quereshi dự ARF 17 (2010), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Pakistan tiếp xúc song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Hàn Quốc (3/2012) và tại Hà Lan (3/2014).
Từ năm 2002, hai nước duy trì cơ chế họp Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Pakistan do Thứ trưởng Bộ Công thương chủ trì. Kỳ họp thứ nhất tại Hà Nội đã tiến hành trong các ngày 8-9/7/2003. Kỳ họp thứ hai diễn ra tại Islamabad từ ngày 3-6/6/2010. Đồng thời, Hai bên cũng duy trì cơ chế họp Tiểu ban Hỗn hợp thương mại Việt Nam – Pakistan. Lần thứ nhất tại Hà Nội tháng 7/2011 và lần 2 tại Islamabad 8/2012. Tại kỳ họp này, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc Pakistan công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ và nhất trí đưa kim ngạch thương mại hai bên lên 500 triệu USD trong năm 2013 và 2014.
Hiện nay, hai bên đang chuẩn bị cho cuộc tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao lần thứ nhất.
Quan hệ Kinh tế - Thương mại
Pakistan quan tâm đến hợp tác thương mại, đầu tư với Việt Nam. Năm 2001, Hai bên đã ký Hiệp định thương mại, thỏa thuận đẩy mạnh kim ngạch hai chiều giữa hai bên. Kể từ đó, kim ngạch hai bên bắt đầu tăng nhanh, từ dưới 10 triệu USD năm 1999 tăng lên 149 triệu USD năm 2008; 183 triệu USD năm 2009; 223 triệu USD năm 2010; 324 triệu USD 2011; 390,6 triệu USD năm 2012 và đạt 330,7 triệu USD năm 2013.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Pakistan, bao gồm: chè, thủy sản, cao su, hạt tiêu, hạt điều… Các mặt hàng ta nhập từ Pakistan: bông các loại, dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, vải sợi các loại, lúa mỳ, thức ăn gia súc…
Hiện nay hai bên đang tăng cường tìm hiểu thị trường, nhu cầu, mở rộng đa dạng các mặt hàng thương mại, thăm dò các khả năng về liên doanh liên kết trong các lĩnh vực đầu tư, công nghiệp, chế biến nông sản,… hợp tác và trao đổi văn hoá, giáo dục, đào tạo…và chuẩn bị mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ cơ bản, công nghệ thông tin, phần mềm…
Quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực khác:
Hợp tác giữa Việt Nam và Pakistan trong các lĩnh vực khác nói chung còn rất hạn chế so với tiềm năng phát triển của cả hai bên. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam thăm Pakistan (4/2004). Về an ninh, quốc phòng, có các chuyến thăm Việt Nam của đoàn Học viện Quân sự Pakistan vào tháng 4/2002 và tháng 3/2004. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Pakistan thăm Việt Nam năm 2009; Bộ trưởng tài chính và phát triển Pakistan thăm Việt Nam và dự Hội nghị ADB 44 (thán 6 năm 2011).
Hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế:
Bên cạnh quan hệ song phương, hai nước cũng ủng hộ lẫn nhau trên nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việt Nam đã ủng hộ Pakistan là thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2012-2013. Pakistan đã ủng hộ Việt Nam ứng cử là thành viên vào Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2014 -2016, Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 -2021 và Hội đồng Kinh tế xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018.